Điểm tin sản xuất - tiêu thụ thủy sản Tuần từ ngày 12 – 18/8 năm 2013 (22-11-2013)

   

Tin nuôi trồng thủy sản

      Dịch bệnh trên tôm nước lợ giảm: Theo Cục Thú y, trong tuần, dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi nước lợ ở bảy tỉnh: Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau đã giảm đáng kể so với tuần trước. Cụ thể, tổng diện tích bị ảnh hưởng bởi hai bệnh trên giảm 49,4 ha. Hiện, tổng diện tích bị ảnh hưởng bởi bệnh đốm trắng còn 42,29 ha, bệnh hoại tử gan tụy cấp là 16,45 ha. Bệnh chủ yếu tập trung ở tỉnh Trà Vinh (21,7 ha).

      Bão số 6 gây thiệt hại lớn cho nuôi trồng thủy sản Bắc Ninh: hàng chục ha nuôi trồng thủy sản, hàng trăm ha lúa, rau màu chìm trong biển nước sâu 2-3 m. Toàn bộ diện tích đất bãi ven đê thuộc Huyện Yên Phong đều thiệt hại nặng nề do cơn bão số 6 gây ra. Do mực nước sông Cầu dâng lên với độ cao kinh hoàng, ngập bờ 2m nên mọi nỗ lực khắc phục thiệt hại của người nuôi trồng thủy sản gần như vô nghĩa. Toàn bộ cá và các thủy sản nuôi tràn bờ, khiến người nuôi mất trắng.

      Người nuôi cá chẽm ở TP Cam Ranh, Khánh Hòa gặp khó khăn: Do giá cá thương phẩm giảm mạnh (khoảng 48.000đ/kg) trong khi chi phí đầu tư tăng cao (riêng thức ăn mất từ 40- 60 ngàn đồng, chưa kể các chi phí khác), người nuôi cá chẽm ở Khánh Hòa đang lỗ nặng. Theo trạm Nuôi trồng Thuỷ sản Cam Ranh, chưa kể khoảng 25 ha cá đang trong thời kỳ chuẩn bị xuất bán , diện tích cá chẽm đang đến thời kỳ xuất bán nhưng chưa bán được hiện vào khoảng 80 ha, với hàng ngàn tấn cá bị tồn đọng. Nguyên nhân cá bị tồn đọng là do giá cá thương phẩm giảm mạnh và tiêu thụ chậm. Cá chẽm chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc và các nước Châu Âu. Tuy nhiên, năm nay do các nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu giảm số lượng các đơn đặt hàng khiến giá cá xuống thấp.

      Người nuôi tôm hùm Nhơn Hải, Bình Định thiệt hại trên 2 tỉ đồng do bị tàu đâm nát: khoảng 22 giờ ngày 14.8, khi xâm nhập, neo đậu trái phép tại phao số 0 cảng Quy Nhơn, tàu vận tải YONG LI 2 trọng tải 4.000 tấn, dài 98,6m, rộng 15,5m đã đâm vào nhiều bè, lồng nuôi tôm hùm của ngư dân. Theo kết quả kiểm tra ban đầu, thiệt hại do vụ tàu vận tải YONG LI 2 Trung Quốc xâm nhập trái phép vào vùng biển Việt Nam gây ra cho khu vực nuôi tôm hùm thương phẩm của ngư dân xã Nhơn Hải lên đến trên 2 tỉ đồng.

      Nuôi tôm đất cho hiệu quả kinh tế cao tại Long An: tôm đất là giống tôm thiên nhiên, được ươm giống thuần dưỡng phục vụ chuyển đổi nuôi trồng thuỷ sản tại Long An. Theo ý kiến của người dân nuôi tôm đất vốn đầu tư ít, kỹ thuật nuôi đơn giản hơn so với nuôi tôm thẻ chân trắng hay tôm sú do thức ăn có thể sử dụng cám trộn với thức ăn công nghiệp, hoặc canh nước lớn tháo cống lấy thức ăn ngoài thiên nhiên. Cùng với đó, nguồn nước cũng không cần phải xử lý lắng lọc, bởi tôm đất thích nghi với vùng nước lợ. Nuôi tôm đất cũng không cần phải sử dụng cánh quạt nước như nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú. Ngoài ra, thời gian nuôi tôm đất cũng ngắn, chỉ 50 – 60 ngày là thu hoạch. Điều quan trọng là năng suất tôm đất đạt 400 - 500 kg/ha, trong khi giá bán hiện nay từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. nếu nuôi 3 vụ trừ chi phí có thể lãi gần 100 triệu đồng/ha.

      Cá lóc Tam Nông Đồng Tháp trúng mùa, trúng giá: Nông dân huyện Tam Nông đang thu hoạch vụ nuôi cá lóc thương phẩm trong niềm phấn khởi bởi cá lóc trúng mùa, trúng giá… Nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp đến tận nơi thu mua với giá dao
động từ 38.000 đồng/kg đến trên 40.000 đồng/kg (tăng hơn cùng kỳ năm trước từ
2.000 - 5.000 đồng/kg) để chở đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng
Nam Bộ.

      Cá điêu hồng giảm 2.000 đ/kg: Sau những đợt tăng giá liên tục, trong tuần, giá cá điêu hồng nuôi bè bất ngờ quay đầu giảm 2.000 đ/kg so với tuần trước, giá bán tại bè còn 41.000 - 42.000 đ/kg tùy theo loại cá và hình thức bắt cá. Với giá cá thời điểm này, người nuôi cá điêu hồng lồng bè vẫn còn lãi khoảng 11.000 - 12.000 đ/kg. Nguyên nhân khiến giá cá điêu hồng giảm nhẹ trong mấy ngày qua là do nguồn cung cá điêu hồng nuôi bè ở Tiền Giang cũng như ở các tỉnh lân cận có dấu hiệu tăng trở lại. Nhiều chủ bè có cá tới lứa thu hoạch đồng loạt nên giá cá giảm. Tuy nhiên, giá cá điêu hồng trong thời gian tới sẽ vẫn nằm ở mức cao trên dưới 40.000 đ/kg do thị trường tiêu thụ cá điêu hồng hiện rất tốt và dịp Quốc Khánh 2/9 cũng đang đến gần.

Tin khai thác thủy sản

      Quảng Nam Trúng cá dìa con: Gần mười ngày nay, cá dìa con xuất hiện nhiều tại vùng dừa ngập mặn xã Cẩm Thanh, TP. Hội An. Người dân làng chài Cẩm Thanh cho biết, mỗi ngày họ có thể bắt khoảng một kg cá dìa con (tương đương 1.000 con). Hiện nay, các thương lái khu vực Nam Trung Bộ ra tận nơi thu mua với giá 1,1 triệu đồng/kg. Nhờ cá dìa con có giá mà đời sống của dân chài lưới có thêm thu nhập.

Tin xuất khẩu thủy sản

      Thuế chống trợ cấp của Mỹ đối với mặt hàng tôm: Ngày 12-8, DOC đã quyết định áp mức thuế chống trợ cấp (CVD) lên các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam. Theo đó, mức thuế suất CVD đối với hai bị đơn bắt buộc là Công ty thủy sản Minh Quí và Công ty Thủy sản Nha Trang lần lượt là 7,88% và 1,15%. Mức thuế suất CVD toàn quốc cho tất cả công ty khác của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ là 4,52%. Hơn 600.000 nông dân, người làm chế biến và xuất khẩu tôm tại Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp từ phán quyết này. Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định đánh thuế chống trợ cấp (VCD) đối với tôm xuất khẩu (XK) Việt Nam vào Mỹ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu rất bất bình; Theo VASEP, quyết định áp thuế CVD là một sự áp đặt bất công với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam vì trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp đang hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng không nhận được bất kỳ trợ cấp riêng biệt nào cho ngành tôm. Dù mức thuế suất có thấp hơn mức thuế suất sơ bộ mà DOC đưa ra hồi tháng 6-2013 (6,07%), nhưng đây là một phán quyết bất lợi đối với ngành tôm của Việt Nam do các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Thái Lan, Indonesia có mức thuế bằng 0. Với những lý lẽ, dẫn chứng trên, VASEP chính thức lên tiếng phản đối kết quả DOC đưa ra và đề nghị Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) xem xét công tâm và đưa ra quyết định đúng đắn và hợp lý nhằm chấm dứt hoàn toàn vụ kiện vô lý này. Tuy nhiên, trên thực tế, vụ kiện VCD do hai cơ quan của Mỹ là DOC và ITC tiến hành điều tra độc lập. Chỉ khi hai cơ quan này cùng đồng ý thì việc đánh thuế mới có hiệu lực. Do vậy, vụ việc này còn phải phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của ITC, dự kiến công bố vào ngày 26-9 tới. Nếu ITC xác nhận các doanh nghiệp Mỹ không bị thiệt hại thì vụ kiện sẽ chấm dứt hoàn toàn, toàn bộ các khoản tiền ký quỹ đã thu sẽ được hoàn trả cho các doanh nghiệp.

      Xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan hơn: với những tín hiệu khởi sắc đặc biệt về thị trường, có thể kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm có thể đạt mốc 6,5 tỷ USD. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đã ổn định hơn so với những tháng đầu năm. Do tình hình dịch bệnh đã giảm, sản lượng một số loài thủy sản chủ lực có khả năng tăng nên nguồn cung nguyên liệu đã bớt căng thẳng.

 XK cá ngừ gặp khó vì thiếu nguyên liệu: Trong khi xuất khẩu (XK) tôm và cá da trơn đang gặp  hiều khó khăn vì các rào cản thương mại thì XK cá ngừ của Việt Nam đang bước vào giai đoạn thăng hoa nhờ thị trường rộng mở, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) XK mặt hàng này đang gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu cho chế biến XK. Nguyên nhân là do việc đánh bắt cá ngừ đại dương từ các ngư trường trên cả nước đã giảm mạnh từ đầu năm đến nay. Một số công ty chuyên XK cá ngừ đại dương ở tỉnh Bình Định cho biết, hiện các đơn vị chỉ hoạt động khoảng 50% công suất chế biến vì thiếu nguyên liệu, sản lượng XK cũng đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm  ngoái. Từ những báo cáo của các địa phương như Bình Định, Phú Yên cho thấy, sản lượng đánh bắt cá ngừ đã giảm. Cụ thể, tại Bình Định, sản lượng cá ngừ đại dương 7 tháng đầu năm đạt 5.481 tấn, bằng 97,2 % so với cùng kỳ; Phú Yên sản lượng cá ngừ đạt 4.115 tấn, bằng 68,6% so với cùng kỳ. Nhiều tàu cá của ngư dân Phú Yên đang nằm bờ, chưa tổ chức hoạt động khai thác tiếp, tính đến đầu tháng 7 toàn tỉnh chỉ có 117/973 tàu trên 90CV đang tham gia khai thác hải sản xa bờ. Lý giải về việc sản lượng đánh bắt cá ngừ giảm, các DN cho rằng, giá nhiên liệu xăng, dầu tăng mạnh trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc ra khơi của các chủ tàu đánh cá. Trong bối cảnh XK chững lại, nên giá bán cá ngừ đại dương giảm mạnh đã làm nhiều chủ tàu lỗ vốn dẫn đến phá sản. (Nông Nghiệp Việt Nam 19/8,

  Nhập nguyên liệu thủy sản từ Đài Loan nhiều nhất: 6 tháng đầu năm 2013, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ 68 nguồn cung cấp trên thế giới, đứng đầu là Đài Loan (Trung Quốc), chiếm 11,8% tổng giá trị nhập khẩu với mặt hàng chủ yếu là cá ngừ vây vàng, cá ngừ vằn và cá thu. xếp sau thị trường Đài Loan (Trung Quốc) là Ấn Độ với nguồn cung cấp chính tôm sú, tôm chân trắng, mực, bạch tuộc và một số loài cá biển. Nhật Bản đứng thứ 3, chủ yếu cung cấp cá ngừ, cá hồi, cá saba. Để đủ nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay, ngành thủy sản chủ yếu vẫn nhập khẩu các loại cá biển như cá hồi, cá thu, cá hố, cá tuyết...., chiếm đến 44,2% tổng giá t rị nhập khẩu. Nhóm sản phẩm đứng thứ hai trong cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu thủy sản của Việt Nam là cá ngừ và tôm, chiếm 23,4%, mực và bạch tuộc chiếm 4,9%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ chiếm 2%, còn lại là hải sản khác. 6 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị nhập khẩu thủy sản của cả nước đạt khoảng 283,3 triệu đô la Mỹ, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2012.

                                                                                                                                                     FICen tổng hợp

Ý kiến bạn đọc

Tin khác